Nhiều hãng kinh doanh du lịch – lữ hành nhận định việc tăng giá vé ở một số điểm tham quan khiến giá tour trong nước tăng, thua thiệt khi so sánh với tour quốc tế.
Đầu năm 2017, nhiều nơi như chùa Hương (Hà Nội), Tràng An (Ninh Bình), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Thung lũng Tình Yêu (Đà Lạt), thác Bản Giốc (Cao Bằng), động Ngườm Ngao (Cao Bằng)… tăng giá vé từ 50% trở lên. Khu du lịch Langbiang (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) tăng giá vé tham quan từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng, vé di chuyển bằng xe jeep từ 50.000 đồng lên 60.000 đồng.
Cập nhật giá tour du lịch trong nước và quốc tế 2017
Theo nhiều hãng lữ hành, việc tăng giá không theo lộ trình hay kế hoạch tại các điểm trên khiến hãng gặp khó khăn về lợi nhuận, chiến lược phát triển.
Giá tour tăng khoảng 8%
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc công ty du lịch Liên Bang Travel, cho biết việc tăng giá khiến công ty trở tay không kịp. Lượng khách đăng ký tour đã kéo dài đến tháng 6, và công ty phải bù phần chi phí ngoài dự tính này.
Dù không tiết lộ cụ thể, nhiều hãng lữ hành cho rằng việc bù phần chi phí vượt chỉ là hệ quả nhỏ của việc tăng giá ở các điểm tham quan. Vấn đề lớn hơn là các chiến lược kinh doanh và lợi nhuận.
Giảm tính cạnh tranh của du lịch trong nước
Sau khi hàng loạt điểm tham quan niêm yết mức phí mới, giá tour đến các tỉnh miền Trung, miền Bắc tại các hãng đã có sự tăng nhẹ, từ 5-10%. Tour của Fiditour tăng từ 10-15%. Biên độ tăng tùy thuộc vào số lượng điểm tham có giá vé tăng trong mỗi tour.
Ông Trần Văn Long, Giám đốc công ty Du lịch Việt, chia sẻ: “Hiện nay giá tour du lịch trong nước ở một số tuyến vốn đã cao hơn so với giá tour du lịch nước ngoài. Các điểm tham quan tiếp tục tăng giá sẽ càng giảm tính cạnh tranh với tour nước ngoài, khó có thể thúc đẩy du lịch trong nước và thu hút du khách quốc tế”.
Ông Từ Quý Thành phân tích hiện một số tuyến tour miền Trung hay miền Bắc có lịch trình 4 ngày 3 đêm có giá từ 7-8 triệu đồng một khách, như Hành trình di sản, Khám phá động Thiên Đường, Thưởng ngoạn Hạ Long trên cạn; Hà Nội – Sa Pa… Cùng mức giá, thời gian, du khách có thể chọn đi Thái Lan, Campuchia, Singapore, Malaysia, các vùng lãnh thổ đang có nhiều chính sách hút du khách Việt như Đài Loan (Trung Quốc) – 4 ngày 3 đêm giá 8 triệu đồng; Hong Kong (Trung Quốc) – 4 ngày 3 đêm giá 7,9 triệu đồng…
Bà Phan Nguyên Lâm Viên, Phó phòng sales, công ty cổ phần du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng, cho biết công ty đã có văn bản gửi các hãng lữ hành về việc thay đổi chính sách vé tại khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu cách đây một tháng. Theo đó, từ đầu năm 2017, họ áp dụng combo tiết kiệm với giá 100.000 đồng, gồm giá vé vào cửa (40.000 đồng), di chuyển bằng xe lửa (65.000 đồng), đạp thiên nga trên hồ (100.000 đồng), tiết kiệm khoảng 55% so với việc khách mua vé lẻ cho từng dịch vụ.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc tiếp thị Saigontourist, nhận định: “Các điểm đến trong nước cần tăng thêm các dịch vụ, khai thác hợp lý các điểm tham quan mới, quản lý hiệu quả các điểm tham quan hiện có, đảm bảo tính cạnh tranh trong giá cả để có thể cạnh tranh với các tour nước ngoài”.