Khi có hành khách gặp nạn, tiếp viên hàng không sẽ không sơ cứu ngay và tìm xem trên chuyến bay có vị khách nào là bác sĩ không. Vì sao vậy? tại sao không phi hành đoàn nào có bác sỹ đi cùng?
Phi hành đoàn là những nhân viên của hãng hàng không trên một chuyến bay. Họ là những người có nhiệm vụ đảm bảo an ninh hàng không, an toàn chuyến bay, cũng như chịu trách nhiệm về tài sản, tính mạng và sức khỏe của hành khách. Ấy vậy mà, thành viên phi hành đoàn thường chỉ bao gồm cơ trưởng, cơ phó và tiếp viên hàng không mà không hề có một bác sĩ nào. Chắc hẳn nhiều người từng tự hỏi, vì sao không máy bay nào có bác sỹ, dù các sự cố về sức khỏe có nhiều nguy cơ xảy ra, việc hạ cánh để đưa hành khách bị ốm đến bệnh viện thực sự khó khăn và sự có mặt kịp thời của người có chuyên môn y khoa là vô cùng cần thiết? Hãy cùng Air Go tìm hiểu nhé.
Khi ngồi trên máy bay, phản ứng của cơ thể con người là không thể đoán trước bởi chúng ta ở độ cao lớn và áp suất trong cabin thay đổi. Trong nhiều trường hợp, hành khách cảm thấy khó chịu đột ngột cần sự trợ giúp từ phi hành đoàn và bác sỹ. Lúc này, cơ trưởng sẽ phát thông báo và hỏi xem có hành khách nào là bác sỹ hoặc nhân viên điều dưỡng hay không, đồng thời đề nghị sự hỗ trợ từ họ.
1. Vì sao không máy bay nào có bác sỹ?
Sự có mặt của bác sỹ trên máy bay không phải điều bắt buộc, do đó thành viên phi hành đoàn không bao gồm bác sỹ.
Các hãng hàng không không có nghĩa vụ đưa nhân viên y tế lên chuyến bay, dù là chặng ngắn hay dài. Mặt khác, phi hành đoàn và phi công bay ở châu Âu phải được đào tạo sơ cứu cơ bản.
Kể từ tháng 7 năm 2008, các tiếp viên hàng không (tiếp viên thương mại) ở châu Âu phải có CFS – chứng chỉ huấn luyện an toàn. Họ phải theo học tối thiểu 100 giờ đào tạo lý thuyết và 35 giờ đào tạo thực hành. Để có chứng chỉ này, họ phải học một phần riêng về “các khía cạnh y tế và sơ cứu”.
Nhiều quốc gia khác áp đặt các quy định riêng trong lĩnh vực này. Ví dụ, ở Canada, phi hành đoàn được đào tạo về sơ cứu và họ phải tái đào tạo hàng năm.
Ở Anh, tiếp viên của hãng hàng không quốc gia được hướng dẫn cách trấn an hành khách bằng một giọng điềm tĩnh nhưng vẫn đủ uy lực trong trường hợp sự cố xảy ra. Ngoài ra, khi trải qua khóa đào tạo y tế của hãng, tất cả nhân viên đều nắm được những nội dung cơ bản và cần thiết như: Sử dụng máy khử rung tim, hô hấp nhân tạo khi có người bị ngạt thở, đỡ đẻ và cắt dây rốn cho trẻ sơ sinh khi có ca “đẻ rơi” trên máy bay.
Ở Việt Nam, đội ngũ tiếp viên cũng được đào tạo một khóa y tế tương tự. Thậm chí, một số nhân viên còn được cấp chứng chỉ sử dụng máy khử rung tim khi cần thiết. Ngoài ra, tất cả các hãng hàng không đều đào tạo thành viên phi hành đoàn kỹ thuật sơ cứu hồi sức tim phổi (CPR), đỡ đẻ, sơ cứu các bệnh lý thường gặp như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, động kinh hay bỏng.
2. Phi hành đoàn sẽ xử lý ra sao khi hành khách gặp vấn đề về sức khỏe?
Trong thực tế, khi có hành khách gặp vấn đề về sức khỏe, đội ngũ tiếp viên thường không sơ cứu ngay mà hỏi xem trên chuyến bay tình cờ có vị bác sĩ nào không? Vậy nếu không có bác sĩ trên máy bay thì họ sẽ làm gì?
Do phi hành đoàn được đào tạo một số kỹ năng về y tế nên trong chuyến bay, họ có thể sơ cứu cho hành khách, chẳng hạn như hồi sức hoặc cố định chi bị gãy, băng bó vết thương hoặc hỗ trợ những trường hợp đau dạ dày.
Cơ trưởng và tiếp viên có khả năng ứng phó với các sự cố có thể xảy ra trên chuyến bay, phần lớn là lành tính và liên quan đến áp suất trong cabin hoặc căng thẳng khi di chuyển (các vấn đề về tai mũi họng, đau dạ dày…).
Phi hành đoàn phải đảm bảo có sẵn thiết bị y tế trên máy bay trước khi cất cánh. Một bộ sơ cứu gồm bông, băng, thuốc có sẵn không cần đơn (chẳng hạn như thuốc chống nôn hoặc thuốc giảm đau) được thiết kế để điều trị cho 100 hành khách.
Trên máy bay còn có một hộp y tế khẩn cấp, chỉ được mở khi có sự đồng ý của cơ trưởng và trước sự chứng kiến của bác sỹ. Nó thường chứa một ống nghe, ống tiêm, dây ga-rô và thuốc theo toa (thuốc chống co thắt, thuốc giãn phế quản, thuốc chống co giật.). Mỗi máy bay phải có oxy sơ cứu để giúp hành khách gặp vấn đề về hô hấp trong chuyến đi.
Mặt khác, việc trang bị máy khử rung tim là không bắt buộc trên các chuyến bay ở châu Âu (nhưng lại có ở Hoa Kỳ). Tuy nhiên, một số công ty châu Âu, chẳng hạn như Air France, đã trang bị máy khử rung tim và đào tạo nhân viên của họ cách sử dụng.
Còn một điều mà bạn có thể yên tâm là theo thống kê của các hãng hàng không, gần 80% số chuyến bay có hành khách là bác sỹ. Khi tình trạng sức khỏe của hành khách vượt quá khả năng sơ cứu của tổ bay, cơ trưởng sẽ kêu gọi sự hỗ trợ của bác sỹ trong số các hành khách trên chuyến bay.
Theo số liệu từ cố vấn y tế của Air France, khi phi hành đoàn hỏi “Có hành khách nào là bác sỹ trên máy bay không?”, gần 78% trường hợp họ nhận được câu trả lời “có”. Đó là một trong các lý do vì sao không máy bay nào có bác sỹ.
Nhiều nước quy định, trong trường hợp khẩn cấp và vì lý do chính đáng, khi cơ trưởng kêu gọi sự hỗ trợ mà các bác sỹ có mặt trên chuyến bay không lên tiếng giúp đỡ, họ có thể bị phạt tù. Ở Pháp, bác sỹ từ chối lời kêu gọi này có thể bị truy tố vì tội không giúp đỡ người đang gặp nguy hiểm, có thể phải ngồi tù 5 năm tù và nộp phạt 75.000 euro.
Trong trường hợp đó, nếu nhẹ, đội ngũ tiếp viên sẽ cố gắng tự giải quyết tình huống. Còn nếu bệnh tình trở nặng, họ sẽ kết nối để nghe tư vấn từ các chuyên gia y tế dưới mặt đất. Từ đó, phi công sẽ quyết định có nên chuyển hướng máy bay để đưa khách đi viện hay không.
3. Những sự cố thường gặp khi không có bác sĩ trên máy bay
Vào tháng 5/2016, trên chuyến bay từ Chicago đến Rome của hãng hàng không United Airlines, một hành khách người Mỹ Lewis Christman đột nhiên lên cơn viêm tụy cấp. Trong tình thế nguy cấp, phi hành đoàn không thể liên lạc được với chuyên gia tư vấn y tế dưới mặt đất. Trong khi một bác sĩ trên chuyến bay đã chỉ định chuyển hướng nhưng chuyến bay vẫn tiếp tục.
Lewis nằm vật vã dưới sàn, chịu đựng cơn đau suốt 7 tiếng ròng rã. Sau đó, ông phải nằm viện điều trị thêm 3 tháng nữa mới hồi phục. Hai năm sau, Lewis khởi kiện hãng hàng không này vì đã không chuyển hướng bay như chỉ định của vị bác sĩ nọ.
Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của hãng hàng không United Airlines và là bài học lớn cho các hãng hàng không khác về cách xử lý tình huống khi không có bác sĩ trên chuyến bay.
Cũng tương tự một câu chuyện khác diễn ra trên chuyến bay từ Nhật Bản đến New York vào năm 2006 khi một hành khách nữ bỗng lên cơn đau ngực. Mặc dù trên chuyến bay có Scott Schoifet, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình nhưng ông không thể yêu cầu chuyến bay chuyển hướng bởi còn có 350 người khác nữa trên bay.
Tình thế bắt buộc, vị bác sĩ trên máy bay phải ngồi canh chừng bệnh nhân cho đến khi bà ấy xuống cấp cứu tại một điểm dừng ở Detroit, thành phố Michigan, Hoa Kỳ. Đến đây, hẳn nhiều người sẽ lại hỏi vì sao trong những trường hợp khẩn cấp như vậy, các chuyến bay vẫn không chịu chuyển hướng?
Trong thực tế, để chuyển hướng một chuyến bay tốn rất nhiều kinh phí. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) từng xác nhận chi phí này có thể lên đến 10.000 – 200.000 USD. Và đó cũng là lý do, cơ trưởng thường phải cân nhắc mỗi lần đưa ra quyết định chuyển hướng hay không.
Tuy nhiên, tất cả các hãng hàng không trên thế giới đều đều chuyên gia tư vấn y tế dưới mặt đất để hỗ trợ những bác sĩ tình cờ có mặt trên chuyến bay khi trường hợp xấu xảy ra. Vì vậy, các chuyển bay sẽ không phải chuyến hướng khi không thực sự cần thiết, còn bệnh nhân vẫn được đảm bảo an toàn tính mạng. Và dĩ nhiên, vẫn sẽ không có bác sĩ đi cùng phi hành đoàn trên mỗi chuyến bay như từ trước đến nay vẫn vậy.