Malaysia có những lễ hội văn hóa đặc sắc thích hợp cho du khách tham gia như lễ Hari Raya Puasa, lễ Thaipusam, lễ Trung Thu, lễ Cúng Cô Hồn,…
Du lịch Malaysia bạn có cơ hội tham gia những lễ hội nào?
1. Lễ hội Malaysia
Lễ hội Malaysia là một lễ hội được tổ chức trong vòng hai tuần vào tháng 9 hàng năm. Lần đầu tiên lễ hội được tổ chức vào năm 1987. Mục đích của lễ hội này là nhắc mọi người nhớ đến văn hóa, nghề thủ công và ẩm thực của Malaysia. Tất cả mười ba bang của Malaysia đều tham dự lễ hội tại Kuala Lumpur. Trong số các hoạt động của lễ hội có các cuộc biểu diễn văn hóa, những cuộc trưng bày các món hàng thủ công đẹp nhất của Malaysia, và thức ăn của mười ba bang. Đường phố sáng rực ánh đèn, trong khi các khu mua sắm và các khách sạn đua nhau trang trí bằng đèn để giành giải thưởng..
2. Lễ Hari Raya Puasa
Lễ Hari Raya Puasa là nghi thức đánh dấu hết tháng chay Ramadan của người Hồi giáo. Đây là một dịp đặc biệt đối với những người theo đạo Hồi. Lễ Hari Raya Puasa được tổ chức vào ngày có trăng, vào ngày cuối tháng của lịch Hồi giáo, gọi là Syawal. Ngày có trăng đầu tiên của tháng Syawal được quan trắc bởi những người có đạo lớn tuổi vào buổi tối ở một số địa điểm thuận lợi. Và lễ hội thực sự bắt đầu vào ngày hôm sau, bắt đầu bằng việc đi cầu nguyện tại nhà thờ vào buổi sáng sớm, đi thăm mộ những người thân quen, và cuối cùng là đi dự tiệc.
3. Lễ Cúng Cô hồn
Tương tự như lễ cúng cô hồn vào tháng 7 của người Việt, đây là dịp người ta dành để cúng tế các vong hồn không có người thân chăm sóc. Ở Malaysia người ta cũng tin rằng những vong hồn này thường dễ làm điều ác. Mỗi năm cửa mở trong vòng 30 ngày cho các vong hồn ra sống trà trộn với người cõi dương. Và để vỗ về những vong hồn đó người ta cũng thắp nhang trên bàn thờ và đết giấy cúng ngoài đường.
4. Lễ Trung thu
Tương tự như Trung thu của người Việt, người Malaysia cũng thắp đèn lồng và thướng thức bánh nướng trung thu vào dịp rằm tháng tám âm lịch. Đây là ngày lễ của người Hoa, dùng để kỷ niệm việc lật đổ triều Nguyên, người Mông Cổ đã cai trị Trung Hoa vào thế kỷ thứ 13 và 14. Tương truyền những hiệu lệnh hô hào dân chúng nhất tề nổi dậy chống nhà Nguyên đã được viết và cho vào ruột những chiếc bánh phân phát cho từng nhà.
5. Lễ Thờ Chín vị Thần
Lễ này được tổ chức vào đầu tháng 9 âm lịch hàng năm. Đây là tập tục bắt nguồn từ người Phúc Kiến, họ tin rằng những vị thần này sẽ cho con người may mắn, giàu sang và trường thọ và có sức giải hết ưu phiền. Tượng những vị thần này được tạc tại chùa Quan Âm ở đường Burma. Vào ngày lễ này chùa Quan Âm đông nghịt người đi lễ, hương khói nghi ngút. Dịp này nhiều ngươi ăn chay trong 9 ngày, từ ngày 1 đến ngày 9 tháng 9 âm lịch, và có người ăn chay suốt cả tháng.
6. Ngày Cuối năm
Cũng như ở nhiều nước khác trên thế giới, ngày cuối năm (31/12) được tổ chức vui nhộn ở các quảng trường công cộng, khách sạn và nhà hàng. Khu Dataran Merdeka ở Kuala Lumpur trong dịp này là một chỗ tốt để mọi người cùng hòa nhập với nhau để đón mừng năm mới.
7. Lễ Thaipusam
Đây là một lễ tế thần Hindu, gọi lạ Chúa Murgan, hoặc đôi khi còn gọi là Chúa Subramaniam. Một nét đặc trưng trong lễ hội này là việc rước kavadi, một cái khung được trang trí bằng giấy màu, kim tuyến, hoa tươi và trái cây, coi như một hình thức ăn năn sám hối. Ở Kuala Lumpur, những người Hindu rước kavadi sẽ làm một cuộc hành hương đến động Batu ở Selangor, nơi đó kavadi sẽ được khiêng lên 272 bậc tam cấp để đến ngõ vào của hang lớn và đặt dưới chân tượng thần.