Đại diện Cathay Pacific Airways vừa xác nhận, chính quyền Hồng Kông sẽ thực hiện kế hoạch tái cấp vốn trị giá 5 tỷ USD để giúp hãng hàng không này vượt qua khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Theo kế hoạch giải cứu do Cathay công bố hôm 9/6, chính quyền Hồng Kông sẽ được phát hành số cổ phần ưu đãi trị giá 2,05 tỷ USD với lợi nhuận 6% và 250 triệu USD tiền bảo đảm.
Kế hoạch này cũng mang đến khoản vay bắc cầu trị giá 1 tỷ USD và chính quyền Hồng Kông được giữ hai ghế trong hội đồng quản trị.
Thỏa thuận này bao gồm cả quyền phát hành 1,5 tỷ USD cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu của Cathay Pacific, dẫn đầu là Swire Pacific và Air China – đã tạm dừng giao dịch sáng ngày 9/6 để đợi thông báo chính thức.
Hiện Swire Pacific nắm 45%, Air China nắm giữ 30% và Qatar Airlines nắm giữ 10% cổ phần của Cathay Pacific. Sau khi mọi điều khoản được thông qua, các con số sẽ thay đổi thành 42%, 28% và 9,4%.
Đây được coi là sự trợ giúp vô cùng cần thiết trong bối cảnh lượng hành khách của Cathay Pacific sụt giảm mạnh và hầu hết máy bay phải ngừng hoạt động do đại dịch.
Cathay cho biết doanh thu hành khách của hãng giảm xuống chỉ còn 1%, có nghĩa là hãng hàng không đã mất khoảng 2,5 tỷ đô la Hồng Kông đến 3 tỷ đô la Hồng Kông mỗi tháng kể từ tháng 2.
Hầu hết máy bay của Cathay Pacific đang trong tình trạng “nằm chờ”, chỉ duy trì hạn chế các đường bay quan trọng nhất tới Bắc Kinh, Los Angeles, Sydney và Tokyo.
Cũng như Singapore Airlines, Cathay Pacific không có thị trường nội địa để chống đỡ cho sự sụt giảm của du lịch quốc tế. Và hãng hàng không của đảo quốc sư tử cũng đã nhận gói cứu trợ lên đến 10,1 tỷ USD từ các nhà đầu tư thuộc chính phủ, do Temasek Holdings dẫn đầu.
Cathay đã điều động một số phi công tại các căn cứ ở nước ngoài và cắt giảm các nhân viên của phi hành đoàn tại Mỹ và Canada kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19, nhưng không thông báo mất việc làm trên quy mô lớn.
Cathay Pacific cho biết hãng cũng có kế hoạch tiếp tục cắt giảm lương của các quản lý và triển khai sáng kiến tự nguyện nghỉ việc không lương lần thứ hai đối với nhân viên.
Trước đại dịch, Cathay Pacific là một trong những hàng hàng không quốc tế lớn nhất của châu Á và lớn thứ năm về vận tải hàng hóa trên toàn cầu. Đại dịch COVID-19 đã khiến lượng hành khách giảm mạnh.
Theo lãnh đạo của hãng, về lâu dài, tất cả các khía cạnh của mô hình kinh doanh của Tập đoàn Cathay Pacific sẽ được đánh giá lại.