Không trộn wasabi với nước tương, tránh cắn đôi thức ăn, không dùng tay đỡ đồ ăn rơi, không lật ngược nắp bát,… là những quy tắc ăn uống của người Nhật bạn cần nắm rõ khi du lịch Nhật Bản. Dưới đây là 10 quy tắc du khách nên biết để tránh rơi vào những tình huống không đáng có.
10 quy tắc ăn uống cần nắm khi du lịch Nhật Bản
1. Không trộn wasabi với nước tương
Mặc dù rất nhiều nhà hàng trên thế giới đều sử dụng phương pháp này khi phục vụ đồ ăn Nhật nhưng đây không phải là một cách được người dân đất nước mặt trời mọc hưởng ứng. Hãy cho wasabi lên trên miếng đồ ăn mà bạn muốn thưởng thức sau đó chấm vào nước tương. Đây mới là cách dùng wasabi và nước tương đúng nhất.
2. Tránh cắn đôi thức ăn
Việc cắn đồ ăn thành nhiều miếng được coi là bất lịch sự tại Nhật Bản. Người Nhật hạn chế tối đa việc đặt một đồ ăn nào đó còn dang dở trên đĩa. Do vậy hãy cố gắng ăn mọi thứ chỉ bằng một miếng, trừ khi miếng đồ ăn quá lớn thì hãy dùng tay che miệng lại.
3. Không dùng tay đỡ đồ ăn rơi
Với người Nhật, việc sử dụng tay trái để đỡ thức ăn rơi hay nước là một hành động không đẹp mắt. Mặc dù hành động này có thể tránh việc thức ăn rơi gây ra những vết bẩn không đáng có trên áo quần hoặc khăn trải bàn nhưng đó thực sự là một thói quen ăn uống nên tránh khi dùng bữa kiểu Nhật.
4. Không lật ngược nắp bát
Lật ngược nắp bát là dấu hiệu khiến nhiều người hiểu lầm rằng bạn đã dùng xong bát. Do vậy hãy để nắp bát như khi chúng được người phục vụ mang ra bàn. Thêm một nguyên nhân khác nên tránh làm điều này vì rất có thể bạn sẽ làm hỏng chiếc nắp khi úp ngược chúng lại.
5. Không đặt vỏ sò trên nắp bát hay đĩa riêng
Khi được phục vụ một số đồ ăn có vỏ như sò, hàu…, nhiều người thường có thói quen đặt phần vỏ rỗng vào nắp bát hay đĩa riêng. Người Nhật coi đây là một hành động không lịch sự. Quy tắc ăn uống của người Nhật đúng trong trường hợp này là để những phần vỏ này vào chính chiếc bát đựng món ăn đó.
6. Không cầm đũa trước khi nhấc bát lên
Khi tham gia một bữa ăn Nhật, bạn hãy lưu ý nhấc bát ăn trước khi cầm đũa. Nếu muốn chuyển sang bát khác thì hãy đặt đũa xuống, sau đó mới đổi bát. Chỉ sau khi nhấc bát, bạn mới được phép cầm lại đũa.
7. Không đưa đũa qua lại hay chạm vào thức ăn nếu bạn không có ý định gắp
Người Nhật tránh việc gắp đồ ăn sau đó bỏ chúng lại và gắp sang món khác. Hành động này được coi là một cách cư xử thiếu lịch sử. Hãy sử dụng tất cả các món ăn có trong bữa ăn và lựa chọn món định gắp trước khi đưa đũa ra mà không biết nên gắp món nào.
8. Không gác đũa ngang miệng bát
Với nhiều người, việc gác đũa ngang miệng bát là một cách ăn uống khá bình thường nhưng tại Nhật điều này được cho là sai quy tắc ăn uống. Nếu muốn đặt đũa xuống, bạn hãy đặt chúng lên những chiếc gác đũa. Trong trường hợp không có gác đũa, bạn có thể dùng bao đũa để gấp lại thành chiếc gác đũa. Còn khi bạn không biết cách gấp thì hãy gác đũa lên chiếc khay hay một vật nào đó tương tự có trên bàn ăn.
9. Không dùng đầu còn lại của đôi đũa để gắp thức ăn
Sở dĩ người Nhật tránh việc dùng đầu còn lại của đôi đũa để gắp thức ăn vì đây là phần tiếp xúc với tay, là phần không được sạch sẽ. Nếu muốn gắp thức ăn bằng đũa sạch hãy hỏi người phục vụ để lấy thêm một đôi đũa mới.
10. Không đưa đồ ăn lên quá cao
Trong khi ăn uống, nhiều người thường gắp và đưa đồ ăn lên cao ngang tầm mắt. Đây là việc cần hạn chế nếu bạn đang ở trong một bữa ăn Nhật.
Một số điều cần tránh khác trong ẩm thực Nhật Bản
- 2 người cùng gắp 1 miếng thức ăn trong dĩa. Trong truyền thống lễ an táng của người Nhật, sau khi hỏa táng, theo phong tục, xương của người chết sẽ được người trong gia đình chuyền từ đôi đũa này sang đôi khác, chính vì vậy mà người Nhật luôn tránh để hai đôi đũa tiếp xúc trực tiếp trong lúc thưởng thức bữa ăn
- Ngậm đũa vào miệng để dùng tay làm việc khác. Hành vi này được coi là rất xấu trong bữa ăn. Khi muốn rảnh tay để làm gì đó trong lúc ăn, đôi đũa không dùng đến cần phải được gác ngay ngắn trên hashioki (gác đũa), rồi dùng hai tay để cầm chén.
- Dùng đũa kéo các chén (dĩa) thức ăn ở phía xa về phía mình, hoặc đẩy dĩa thức ăn ra xa. Không chỉ là hành động khó coi, việc làm này còn có thể làm xước, hư hỏng chén dĩa và bàn ăn. Cách làm đúng trong trường hợp này là dùng tay nhấc hẳn dĩa thức ăn lên rồi di chuyển đến nơi khác.
- Dùng đầu đũa cắm xuyên qua miếng thức ăn, chọc đũa vào thức ăn để ăn, xé thức ăn hay lấy thức ăn vào chén mình cũng giống như thử xem món ăn đã nấu chín chưa, có ý xúc phạm đến người đã nấu món ăn. .
- Cắm đôi đũa thẳng đứng trên chén cơm. Đây là hình ảnh chỉ có trên bàn cơm cúng vong linh người chết theo nghi thức Phật giáo. Do đó hình ảnh này không được phép xuất hiện trong bữa ăn. Đôi đũa Nhật Bản có nhiều thứ “đi kèm” và người dùng bữa ngoài nắm được cách ăn bằng đũa và cách hành xử sao cho đúng khi dùng bữa còn cần phải biết cách sử dụng những vật dụng này cho đúng đắn.