Rượu sake được xem như thức uống của các vị thần vì được sử dụng trong phần lớn lễ hội ở Nhật Bản. Khi uống sake, người Nhật sẽ cảm thấy như được thoát tục và tâm hồn thanh thản.
Rượu Sake trong văn hóa Nhật Bản truyền thống
Đối với người dân Nhật Bản, sake được coi như thức uống của các vị thần. Nó là một phần trong nghi lễ cổ xưa, khi được dùng để tẩy trần trong các đền thờ. Sake được ủ từ những năm 300 TCN, một vài thế kỷ sau khi nền văn minh lúa nước xuất hiện tại Nhật Bản.
Trong phần lớn lễ hội ở Nhật Bản, người dân thường dâng cúng các thực phẩm đến từ biển và núi. Một trong những thực phẩm quan trọng nhất trong các lễ hội này là Sake, thức uống được sản xuất từ gạo, có lượng cồn thấp.
Rượu Sake làm từ gì?
Nguyên liệu chính để làm nên sake là rượu và nước. Nhưng sake không phải là rượu gạo, nó không được chưng cất giống rượu mà sản xuất bằng cách sử dụng một loại men đặc biệt. Để làm ra thứ rượu đến các vị thần cũng phải mê này, người dân tiến hành nhiều công đoạn như: mài gạo, nấu, ủ và lên men. Hầu hết xưởng sản xuất sake của người Nhật thường làm vào mùa thu, kéo dài hết mùa đông, bởi nhiệt độ lạnh rất phù hợp với việc làm ra loại đồ uống này.
Việc tạo ra hương vị độc đáo, đặc biệt rất quan trọng đối với mỗi xưởng sản xuất. Do vậy, phần lớn hãng sake ở Nhật đều do cha truyền con nối và có truyền thống hơn 100 năm.
Ý nghĩa của rượu sake
Với người Nhật Bản, uống sake khiến họ có cảm giác đặc biệt như đang được dịch chuyển đến một thế giới khác, thoát tục và tâm hồn thanh thản. Sake cũng được coi là thức uống hấp dẫn các vị thần.
Ban đầu, sake được sản xuất để phục vụ cho cá nhân các hộ gia đình trong làng. Sau đó, nó trở thành một sản phẩm nông nghiệp được người dân cả nước và thế giới ưa chuộng. Sake trước đây được tiêu thụ phần lớn bởi tầng lớp thượng lưu và trong đám cưới.
Một trong những truyền thuyết nổi tiếng gắn liền với rượu sake chính là huyền thoại về Kojiki. Truyện kể rằng có một con rồng quỷ 8 đầu hàng năm thường tấn công các ngôi làng ở Nhật Bản. Mỗi lần như thế con rồng lại bắt đi một cô gái. Trước sự việc đó, Susanoo, vị thần bão và biển cả trong tín ngưỡng Shinto, đã tìm ra một giải pháp. Ông yêu cầu dân làng chuẩn bị rượu sake và đổ đầy vào 8 chiếc cốc. Khi con rồng đến, nó uống hết rượu trong cốc và ngủ say. Susanoo đã dùng gươm chém chết con quái thú và kết hôn với cô gái – vốn sắp bị trở thành vật hiến tế cho con rồng.
Một trong những tỉnh có nhiều xưởng sản xuất sake lâu đời và nổi tiếng là Ibaraki và Yamanashi, Nhật Bản.
Đây là những tỉnh miền núi, được bao phủ phần lớn bởi rừng, núi nên có nguồn nước sạch, tinh khiết, phù hợp để sản xuất rượu.
Một số địa điểm mà du khách có thể đến tham quan ở tỉnh Ibaraki là công viên ven biển Hitachi, cổng Torii nằm trên bãi đá giữa biển, trước đền Oarai Isosaki, công viên Kairakuen…