Nói đến văn hóa Nhật Bản, chúng ta không thể quên trà đạo. Đây là một nét văn hóa đẹp, nghệ thuật sống trong lòng mỗi người dân Nhật Bản rất đáng để du khách tìm hiểu và trải nghiệm.
Trà đạo được biết đến như một loại nghệ thuật thưởng thức trà trong văn hóa Nhật Bản. Trà đạo được phát triển từ khoảng cuối thế kỷ 12.
Theo truyền thuyết Nhật, vào khoảng thời gian đó, có vị cao tăng người Nhật là sư Eisai (1141-1215), sang Trung Hoa để tham vấn học đạo. Khi trở về nước, ngài mang theo một số hạt trà về trồng trong sân chùa. Sau này chính Eisai này đã sáng tác ra cuốn “Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký” (Kissa Yojoki), nội dung ghi lại mọi chuyện liên quan tới thú uống trà.
Trà đạo Nhật Bản trong quá khứ
Từ đó, dần dần công dụng giúp thư giãn lẫn tính hấp dẫn đặc biệt của hương vị trà đã thu hút rất nhiều người dân Nhật đến với thú uống trà. Họ đã kết hợp thú uống trà với tinh thần Thiền của Phật giáo để nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà, phát triển nghệ thuật này trở thành trà đạo (chado, 茶道), một sản phẩm đặc sắc thuần Nhật.
Cách pha trà đạo Nhật Bản
1. Người pha trà
Việc pha trà và uống trà là hai phần không thể tách rời. Người quan trọng nhất trong một nghi thức trà đạo là người thực hiện việc pha trà. Các thao tác của người pha trà thể hiện được cái tâm của người pha trà.
Cả người pha trà và người uống trà đều không quan tâm đến hương vị của trà, cái mà họ tập trung vào chính là các thao tác. Họ hòa mình vào các thao tác, hoà mình vào với nhau và với cái thiên nhiên mộc mạc, đơn sơ do họ tạo ra nhằm để tâm trí họ được tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng giúp cho họ tập trung vào chỉ 1 vấn đề họ đang quan tâm, và các thao tác này sẽ giúp họ lý giải được vấn đề.
Người tham gia vào nghi thức Trà đạo Nhật Bản cũng đã uống được ngụm nước trà, tuy nhiên trong chén trà của họ không chỉ cò nước trà thông thường, mà đã được pha vào đó tinh thần của Thiền. Người ta gọi đó là “Trà Thiền Nhất Vị”.
Dụng cụ pha và uống của Trà đạo Nhật Bản rất mộc mạc. Các dụng cụ này được làm từ tre, gỗ, đất nung … với những hình dạng thô sơ và được trang trí rất mộc mạc. Điều này cũng cho thấy sự ảnh hưởng của triết lý tránh sự xa hoa của thiền tông.
Thời gian pha trà rất lâu ( cả một quá trình nghệ thuật ), thời gian uống ít (chủ yếu để suy ngẫm, tĩnh tâm )
Quá trình pha trà của nghi thức Trà đạo Nhật Bản được thực hiện từ từ, kéo dài thời gian. Việc lau chùi dụng cụ và pha trà chủ yếu là để các chủ thể khác tập trung vào nên cần có thời gian thực hiện lâu dài. Trong khi đó việc uống trà thì thực hiện rất nhanh chóng, nhất là lần uống cuối cùng trong ba lần uống trà phải thật nhanh và kêu thật to.Việc này phản ánh sự tập trung cao độ của các chủ thể, không còn chú ý xung quanh nữa.
2. Người uống trà
Người uống trà chỉ là chủ thể phụ của một nghi thức Trà đạo, hòa cùng chủ thể chính. Hương vị của trà không đóng vai trò chính như cái tên được gắn lên của nó. Chỉ có một loại trà duy nhất dùng cho nghi thức này là bột trà xanh matcha. Đây là loại trà có vị đắng, và ở dạng bột. Trà chỉ đóng vai trò phụ trong nghi thức Trà đạo Nhật Bản, bởi vì vị đắng của trà rất phù hợp với tôn chỉ tránh xa sự xa hoa của Thiền, sẽ hỗ trợ cho việc tập trung suy ngẫm của các chủ thể uống trà.
3. Không gian Trà đạo
Trà thất (Chashitsu) nằm trong các khu vườn thanh tịnh. Phòng trà là phòng kiểu Nhật (Washitsu), được xây dựng từ vật liệu chính là gỗ. Nền là những tấm thảm tatami. Lối vào các trà thất thường nhỏ hẹp, được ghép thành từ các viên đá lớn. Cách bày trí bên ngoài và bên trong trà thất rất đơn giản, mộc mạc và thô sơ. Bên trong thường có treo một bức tranh thủy mặc hoặc một câu thư pháp nơi hốc tường, kèm với 1 bình hoa cắm theo kiểu ikebana
Việc thực hiện trà thất với khung cảnh và chất liệu hoàn toàn gần gũi thiên nhiên mộc mạc, cho thấy nghi thức Trà đạo Nhật Bản rất phù hợp với triết lý hòa hợp thiên nhiên của Thiền. Con người là tiểu vũ trụ, thiên nhiên là đại vũ trụ và con người sẽ sống thật nhất với bản chất của mình khi con người hòa vào thiên nhiên, tức là tiểu vụ trụ hòa vào đại vũ trụ.
Trà thất
4. Thời gian thưởng thức trà đạo
Người Nhật Bản uống trà khi cần tĩnh lặng, tĩnh tâm, giảm căng thẳng. Vì vậy, nghi thức Trà đạo có thể được thực hiện bất cứ thời gian nào trong ngày, bởi vì ảnh hưởng Thiền nên yếu tố thời gian không là yếu tố quan trọng khi thực hiện nghi thức Trà đạo. Cái quan trọng chính là lúc các chủ thể cần có sự tập trung, có sự tĩnh lặng, thế là nghi thức Trà đạo Nhật Bản được thực hiện.
Một số biểu tượng văn hóa trong trà đạo Nhật Bản
Tokonoma
Là một góc phòng được trang trí và hơi thụt vào trong so với vách tường. Tokonoma là một trong bốn nhân tố thiết yếu tạo nên phòng khách chính của một căn nhà. Bản thân từ “tokonoma” ám chỉ góc phòng thụt vào hoặc căn phòng có góc như nó.
Có một vài dấu hiệu để biết đâu là tokonoma. Thông thường, có một khu vực để treo tranh hoặc một bức thư pháp. Hay có một cái giá nhỏ để đặt hoa, có thể là một chiếc bình, có thể nhìn thấy một hộp hương trầm.
Chabana
Là phong cách cắm hoa đơn giản mà thanh lịch của Trà đạo, có nguồn gốc sâu xa từ việc nghi thức hóa Ikebana. Cha, theo nghĩa đen, là “trà” và ban, biến âm của từ hana, có nghĩa là “hoa”.
Phong cách của chabana là không có bất kỳ qui tắc chính thức nào để trở thành chuẩn mực cho nghệ thuật cắm hoa trong trà thất.
Kakejiku
Kakejiku tạm hiểu chỉ là một tấm vải trống trơn, nó có thể cuộn vào trốn theo bia rượu, hoặc mở ra để treo trên vách tường tokonoma. Lúc thì gắn vào Kakejiku một bức tranh nhỏ, lúc khác một bức thư pháp hoặc là sự kết hợp cả tranh và chữ (thư họa).
Những nội dung khi xuất hiện trên Kakejiku thường mang ý nghĩa sâu xa, có thể là một công án Thiền tông, …
Bài trí
- Tranh, thơ, câu liễn: Là những bức tranh về phong cảnh thiên nhiên hay những bài thơ, câu liễn được treo, dán trong Trà Thất. Nó sẽ làm tăng thêm phần trang trọng cho Trà Thất.
- Hoa: Thường được cắm trong bình, lọ hay đĩa nhỏ, được đặt ở giữa phòng hay đặt dưới bức tranh trong phòng. Nó có tác dụng làm cho căn phòng thêm sinh động, tạo cảm giác thoải mái, gần gũi với thiên nhiên cho người tham gia.
- Lư trầm: Được đặt ở góc phòng hay dưới bức tranh hoặc giữa phòng. Nhưng thường lư trầm được đặt ở góc phòng. Trầm hương có tác dụng làm cho căn phòng có được mùi hương thoang thoảng phảng phất nhẹ nhàng, khiến cho mọi người được thư giãn tinh thần, thoải mái dễ chịu.
Tất cả chi tiết được bố trí rất gọn gàng, không chiếm diện tích của phòng trà, tạo sự cân bằng, hòa hợp theo phong thủy.
Ý nghĩa của trà đạo Nhật Bản
- Thể hiện sự hòa hợp với đất trời, hòa hợp với thiên nhiên, cho thấy sự tự do thoải mái, thanh tịnh, “dùng tĩnh nhiếp động”.
- Thể hiện quan điểm và giá trị đạo đức của con người Nhật Bản, gồm 4 yếu tố: Hòa: hòa bình, hòa đồng. Kính: tôn trọng người trên, yêu thương bạn bè, con cháu. Thanh: tức là thanh tịnh, thanh khiết. Tịch: là giới hạn mỹ học cao nhất của trà đạo: tĩnh mịch, an nhàn.
- Mang đến giá trị tinh thần to lớn: Là sự sùng bái được thể hiện nơi lòng yêu kính vẻ đẹp tuyệt đối vượt lên trên tất cả những phiền toái của đời sống. Biểu hiện sự thanh khiết cũng như hòa hợp kỳ diệu tuyệt cùng nơi lòng nhân ái. Là một trách vụ thiêng liêng trong đó con người xem như được dự phần vào công việc khám phá Chân Thiện Mỹ.